Đến với bài thơ hay về thầy cô giáo
Lượt xem:
( Đỗ Quang Vinh-Trích “Mưa nhớ” NXB Văn học)
Con về trường cũ chiều nay
Thầm mong được gặp lại thầy thầy ơi
Đưa con qua tới bến đời
Đò xưa thầy vẫn không rời sớm trưa
Thầy ơi nói mấy cho vừa
Ơn thầy dạy dỗ con chưa đáp đền
Biển đời ghềnh thác chông chênh
Đôi khi con sợ mình quên lối về
Thầy giờ lận đận chốn quê
Lo toan cuộc sống bộn bề có hay
Con về trường cũ chiều nay
Thầm mong được gặp lại thầy thầy ơi.
VỀ TRƯỜNG CŨ THĂM THẦY – MỘT NGHĨA CỬ CỦA LÒNG TÔN SƯ TRONG ĐẠO.
“ Tôn sư trọng đạo ” là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Mỗi một người đều có những cách riêng của mình để thể hiện truyền thống đó, nhưng chúng ta rất dễ đồng tình với Đỗ Quang Vinh trong việc “về trường cũ thăm thầy”.
Vâng ! Mỗi chúng ta, khi đi xa ai cũng mong có ngày trở về thăm lại quê hương – Mảnh đất chôn nhau cắt rốn – nơi mà chúng ta được sinh ra và lớn lên qua tiếng hát của bà lời ru của mẹ, nơi có ngôi trường làng mà chúng ta cùng bạn bè bắt đầu từ những tiếng o,a…..Trở về để thăm lại những gì thân thiết nhất mà một thời vì cuộc đời níu kéo nên chúng ta đã để lại sau lưng. Và trên cuộc hành hương đó , người đầu tiên mà chúng ta không thể quên được đó là người thầy giáo cũ. Và cũng như nhiều người khác Đỗ Quang Vinh đã làm được điều đó.
Với lời thơ chân chất, mộc mạc, tác giả nói lên lòng mong ước được gặp lại người thầy giáo cũ sau bao năm lăn lộn, bươn chải ở trường đời:
Con về trường cũ chiều nay
Thầm mong được gặp lại thầy thầy ơi
Đưa con qua tới bến đời
Đò xưa thầy vẫn không rời sớm trưa
Người thầy thường được ví như người đua đò vậy. Bao nhiêu lớp người được thầy đưa đến “bến đời” để tung mình vào trường đời bất tận nhưng còn thầy vẫn sớm trưa vất vả tận tụy với “Sự nghiêp trồng người” ở mái “ trường xưa” như ta đã thấy:
Thầy giờ lận đận chốn quê
Lo toan cuộc sống bộn bề có hay
Sau bao nhiêu năm xa cách, ngày trở về cứ nghĩ thầy đã đổi thay so với ngày trước nhưng không,người thầy vẫn “lận đận”, “ lo toan cuộc sống bộn bề”. Chúng ta không khỏi ngậm ngùi trước hoàn cảnh hiện tại của người thầy đáng kính. Và ở đây chứng ta cũng thấy được sự xót xa ân hận của tác giả đối với người thầy của mình. Chính vì thế tác giả mới thú nhận:
Thầy ơi nói mấy cho vừa
Ơn thầy dạy dỗ con chưa đáp đền
Đã là người không ai không nghĩ đến công lao, ơn nghĩa “cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”. Nhưng vì hoàn cảnh mà đôi lúc chúng ta chưa làm tròn chữ “ Đạo”. Nhưng biết được , ý thức được điều đó như Đỗ Quang Vinh cũng là điều đáng quý, đáng trận trọng và đáng học hỏi lắm lắm. Chỉ sợ rằng vì “ biển đời nghênh thác chông chênh” mà “ đôi khi sợ mình quên lối về” đó thôi.
Vì “ chưa đáp đền” được “ơn thầy dạy dỗ” nên tác giả luôn trăn trở , trở trăn. Trở trăn khi đối mặt trước hoàn cảnh của thầy, trở trăn trước cuộc đời chưa bằng phẳng để cho đạo thầy tròn chưa được vẹn tòan. Cho nên ĐỖ Quang Vinh vẫn khát khao để trở về thăm thầy dù chỉ một lần:
Con về trương cũ chiều nay
Thầm mong được gặp lại thầy thầy ơi.
Từ bao đời nay người thầy luôn là biểu tượng của sự cao quý và người thầy được xã hội tôn vinh và trân trọng. Đó là một tất yếu. Việc ra đi và trờ về trường cũ thăm thầy xưa là một đạo lí. Ngày nay có một số người nào đó coi nhẹ đạo lí muốn hạ thấp địa vì tôn vinh của những người thầy người cô. Nhưng dù sao một xã hội ngày càng phát triển chúng ta lại cần phải tôn vinh hơn nữa vị trí của người thầy, cô giáo nếu chúng ta muốn có một nề giáo dục tốt.
Đọc bài thơ “ Về trường cũ thăm thầy” của Đỗ Quang Vinh chúng ta lại nhớ đến câu chuyện: Xưa có người học trò đỗ đạt làm quan đến nhất phẩm triều đình, khi qua đường gặp thầy giáo phải xuống ngựa, khi đến thăm thầy phải đứng khoanh tay trước ngực hầu chuyện thầy theo nề nếp của một môn sinh, rất đúng với đạo làm người trong xã hội cũ: Quân – Sư – Phụ (Vua – Thầy – Cha).
Hiện nay, khi mà những giá trị đạo đức của xã hội bị đảo lộn, hành động về trường cũ thăm thầy của nhà thơ Đỗ Quang Vinh đã nhắc nhở chúng ta cần phải giữ gìn, phát huy hơn nữa truyền thống tôn sư trọng đạo.